Bối cảnh Trận_Spicheren

Dù không có kế hoạch rành mạch, Hoàng đế Pháp Napoléon III đã điều các Quân đoàn II (tướng Frossard), III (Thống chế Bazaine), IV (tướng Ladmirault) và V (tướng De Failly) tiến gần đến biên giới Đức-Pháp ở Lorraine vào ngày 31 tháng 7 năm 1870, sau khi cuộc Chiến tranh Pháp-Đức bùng nổ. Đến ngày 2 tháng 8, Frossard kéo Quân đoàn II đánh vào bản thổ Đức và giành được thị trấn biên ải Saarbrücken từ tay 3 đại đội của Trung đoàn 40, Sư đoàn 16 (Phổ). Giữa lúc dư luận Pháp rộn rã ăn mừng thắng lợi mở màn của quân lực, Bộ Chỉ huy quân Pháp tại Metz lại trở nên dè đặt và không thể xác định một mục đích cụ thể nào cho các hoạt động tiếp theo.[1][5]

Trong khi đó, Tổng tham mưu trưởng quân đội Phổ-Đức Helmuth Graf von Moltke đã hội đủ các đạo binh hùng hậu của mình của mình trên một diện rộng từ Koblenz xuống Karlsruhe vào đầu tháng 8 năm 1870. Cánh trái của ông gồm Tập đoàn quân số 1 (50.000 quân) dưới quyền Thượng tướng Bộ binh Karl von Steinmetz và Tập đoàn quân số 2 (134.000 quân) dưới quyền Thân vương Friedrich Karl trên mạn bắc, cánh phải gồm 125.000 quân của Tập đoàn quân số 3 do Thái tử Friedrich Wilhelm chỉ huy ở phía nam. Cũng như trong cuộc chiến tại Áo năm 1866, chủ trương hành động của Moltke là: "truy tìm quân chủ lực địch và tấn công chúng, ở bất cứ nơi nào chúng bị tìm thấy". Ông dự định tập trung Tập đoàn quân số 2, với Tập đoàn quân số 1 yểm trợ sườn phải tại Tholey, trên bờ đông sông Saar để giam chân chủ lực Tập đoàn quân Rhine trong khi Tập đoàn quân số 3 (125.000 quân) tràn vào Alsace, đánh bại Quân đoàn I của Thống chế Pháp MacMahon tại đây rồi vượt dãy Vosges. Tiếp theo đó, Tập đoàn quân số 2 sẽ tấn công quân chủ lực Pháp trong khu vực từ Saarbrücken đến Sarreguemines trong khi Tập đoàn quân số 1 quành xuống phía nam bao vây sườn trái và Tập đoàn quân số 3 vòng lên phía bắc để bọc kín sườn phải.[1][6][7]

Tuy nhiên, viên tướng 74 tuổi Steinmetz do thèm khát vinh quang nên bất mãn với vai trò trừ bị và bảo vệ sườn mà ông và tập đoàn quân nhỏ bé của mình phải đảm nhận.[1] Bất chấp lệnh nghiêm cấm vượt sông Saar của Moltke và truyền thống tuân thủ thượng lệnh của quân lực Phổ, vào ngày 5 tháng 8, Steinmetz cố tình quay toàn bộ Tập đoàn quân số 1 xuống phía nam để tiến đánh Saarbrücken theo các lộ trình mà Bộ Tổng tham mưu dành riêng cho cho Tập đoàn quân số 2, làm cắt rời bộ binh của Friedrich Karl – vốn đang tiến xuống con đường Ottweiler-Neunkirchen – khỏi các sư đoàn kỵ binh của ông – vốn đang đi thẳng về thung lũng Saar để thám sát lực lượng địch – và lôi hai tập đoàn quân vào một chiến dịch tấn công trực diện ngoài ý muốn của Moltke. Khi Steinmetz lý giải với Moltke rằng mục đích của ông là nhằm hỗ trợ Tập đoàn quân số 2 bằng cách dụ quân Pháp tấn công thật dữ dội vào tập đoàn quân của ông, Moltke chỉ đơn thuần ghi chú vào bản thông điệp của Steinmetz: "Sẽ đẩy Tập đoàn quân số 1 đến sự thất trận". Theo nhật ký của Thiếu tá Alfred von Waldersee, "Bộ tư lệnh đang bắt đầu hối tiếc về việc bổ nhiệm [Steinmetz]".[1][7]

Frossard rút khỏi Saarbrücken

Như đã nêu, Bộ Tư lệnh quân Pháp trở nên do dự sau trận thắng đầu tiên tại Saarbrücken. Ban đầu Napoléon tính điều Quân đoàn IV mở một cuộc tiến công hạn chế vào thung lũng sông Saar, nhưng sau khi được viên cảnh sát trưởng thị trấn biên ải Wissembourg (Alsace) thông báo về sự xuất hiện của nhiều đạo quân Đức ngoài thị trấn vào ngày 3 tháng 8, vị hoàng đế hốt hoảng chuyển sang thế trận phòng ngự trên mạn đông nước Pháp. Tình hình đó làm Frossard bị lẻ loi tại Saarbrücken và tin tức về đại thắng của Tập đoàn quân số 3 Đức ở Wissembourg ngày 4 tháng 8 đã khiến ông trở nên lo sợ bị chung số phận với Abel Douay. Do vậy, dưới ánh mắt quan sát của quân tuần tiễu Đức thuộc Sư đoàn Kỵ binh 5 (Tập đoàn quân số 2) dưới quyền tướng Rheinbaben, Frossard rút quân khỏi Đức về cố thủ trên các cứ điểm rắn chắc quanh hai làng SpicherenForbach (Lorraine) cách Saarbrücken 3,22 km vào ngày 5 tháng 8 mà không cần đợi lệnh cấp trên.[1][6][8]

Tướng Frossard của Pháp

Hệ thống cao điểm Spicheren nằm chế ngự khu vực giữa Saarbrücken, ngã tư sông Saar và các tuyến đường sắt, đường bộ chủ yếu để tiến về phía tây nước Pháp[4]. Chúng đã được đánh giá là "địa điểm tuyệt vời" (position magnifique) trong các cuộc khảo sát của quân đội Pháp do chính Frossard thực hiện trước chiến tranh[1][1]. Bên phải các cao điểm có địa hình dốc xuống theo hướng sông Saar qua các khu rừng Giferts và Stiftswald rộng lớn, gây khó khăn cho bộ binh địch và làm họ không thể tiếp cận với các binh chủng khác. Ở bên trái có thung lũng Forbach-Stiring chật hẹp, chạy dọc theo nó là con đường chính từ Saarbrücken đến Forbach, và theo đó qua Forbach tới St. Avold. Trong thung lũng, các lực lượng Pháp có được một "pháo đài" phòng thủ hình thành từ các xưởng thép của thành phố Stiring-Wendel. Lối vào thung lũng này ở phía bắc được chế ngự bởi một ngọn nhô ra từ hệ thống cao điểm Spicheren, được gọi là đồi Đỏ (Rote Berg, Rotheberg hay Rotherberg) do màu đỏ gạch của các vách đá lởm chởm của nó. Từ đồi Đỏ, quân phòng thủ Pháp có thể nhìn xuống toàn bộ thung lũng nằm giữa các vị trí của họ và các cao điểm trên Saarbrücken mà họ vừa từ bỏ.[4][8] Nếu như một lực lượng tấn công nào chiếm được Đồi Đỏ, họ sẽ còn phải vượt qua một con đèo chật chội được chế ngự bởi cao điểm Pfaffenberg phía sau làng Spicheren để tiếp cận các sườn dốc chính quanh Spicheren và Forbach.[7]

Hiểu rằng "cái thuổng là bạn đồng hành của súng trường" trong chiến tranh hiện đại, Frossard – một kỹ sư lành nghề – đã cho sư đoàn của tướng Sylvian de Laveaucoupet đào hào cố thủ trên các cao điểm ở trung tâm và cánh phải. Đồi Đỏ được chốt giữ bởi một tiểu đoàn sơn chiến chasseur của Laeveucoupet, với sự yểm trợ của một khẩu đội mitrailleuse. Bên trái, Frossard sai tướng Charles Vergé bài trí sư đoàn của mình đóng giữ thung lũng Forbach-Stiring. Phía sau, ông giữ sư đoàn của tướng Bataille làm trừ bị tại Oetingen, từ đây họ có thể đối phó với bất kỳ một cuộc tấn công nào từ Völklingen vào Forbach.[7][8] Tổng cộng, trong tay Frossard có 28.000 quân - với 39 tiểu đoàn, 24 khối kỵ binh và 90 cỗ đại bác.[2] Nếu như quân Phổ-Đức mở một đợt tấn công quy mô lớn lên các cao điểm Spicheren, Frossard sẽ phụ thuộc vào sự tiếp viện của một quân đoàn khác để chống đỡ.[5] Cách tuyến phòng ngự Spicheren khoảng 9,7 km về phía sau, Bazaine bố trí 4 sư đoàn của Quân đoàn III trên một địa bàn rộng khoảng 25,75 km.[8]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Spicheren http://www.67deligne.jimdo.com/ http://www.farmathur.de/index.php?QUERY_STRING=spi... http://www.saarland-lese.de/index.php?article_id=5... http://almg.free.fr/forbach/Bataille%20de%20Spiche... http://homepages.paradise.net.nz/mcnelly/vb/scenar... http://www.gutenberg.org/files/36209/36209-h/36209... http://books.google.com.vn/books?id=5z6NTY2YxR8C&p... http://books.google.com.vn/books?id=vAnRWFfiUuIC&p... http://books.google.com.vn/books?id=vEqqKo_IGPcC&p... https://commons.wikimedia.org/wiki/Category:Battle...